Để heo con có sức khỏe tốt, nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng hấp thu sữa mẹ và hạn chế bệnh tật thì việc úm cho heo trong giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng.
Nhiệt độ úm
Việc chăm sóc cũng như nuôi dưỡng heo con giai đoạn theo mẹ cần chú ý tới điều kiện môi trường, đặc biệt là tiểu khí hậu chuồng nuôi “riêng biệt”.
Trong giai đoạn này cần chú ý tới hành vi của heo mẹ cũng như heo con để có thể điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp với heo.
Nhiệt độ môi trường có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của heo con, đặc biệt giai đoạn 1 – 15 ngày tuổi. Nhu cầu nhiệt độ của heo con thời kỳ này như sau: Heo sữa giai đoạn 1 – 7 ngày tuổi cần có nhiệt độ 31 – 33oC; 8 – 15 ngày tuổi cần nhiệt độ 30 – 31oC.
Việc nuôi dưỡng heo con giai đoạn đầu là rất quan trọng. Ảnh: Biomin
Đối với heo con khi nhiệt độ quá cao chúng không nằm trong ổ mà di chuyển ra ngoài khu vực úm và nằm gần mẹ điều này không những làm hao phí điện mà còn tăng tỷ lệ chết do heo mẹ gây ra.
Khi nhiệt độ khu vực úm không đủ heo con nằm tụm lại với nhau và đè lên nhau, điều này rất nguy hiểm vì như vậy heo con dễ bị nhiễm lạnh và bị tiêu chảy.
Nhiệt độ phù hợp với heo con khi chúng nằm ngủ với tư thế thoải mái và nằm đều trong khu vực úm.
Nhiệt độ thích hợp cho heo con trong giai đoạn úm khoảng là 30ºC, nhiệt độ trong ngày đầu tiên cần duy trì ở 35ºC, sau đó giảm dần 0,5ºC mỗi ngày sau đó với mùa đông và 1ºC mỗi ngày với mùa hè.
Nguồn nhiệt
Để duy trì nhiệt độ quây úm heo, người nuôi cần có nguồn cung cấp nhiệt. Hiện nay có hai nguồn cung cấp nhiệt chính đó là bóng điện và úm bằng ga.
Úm bằng bóng điện: Hiện, các nông hộ đang sử dụng bóng đèn hồng ngoại 100 w để úm heo (1 bóng/1 ô úm). Phương pháp này có ưu điểm là dễ dàng thực hiện, khá an toàn và có hiệu quả cao nhưng cũng khá tốn kém chi phí.
Úm bằng ga: Đây là phương pháp tiết kiệm chi phí, tuy nhiên phương pháp này mức độ an toàn không cao, dễ gây cháy nổ, khi úm bằng ga cần tính tới quá trình thoát khí và thông thoáng chuồng nuôi (ga sử dụng ôxy để đốt cháy và sinh nhiệt) ngoài ra việc điều chỉnh nhiệt úm cũng cần lưu ý thường xuyên hơn khi úm bằng bóng úm.
Chuồng úm
Việc chuẩn bị khu vực úm cần làm trước khi heo đẻ 24 giờ và nên bố trí ở phía sau của nái, như vậy heo con sẽ nhanh chóng tìm được vú mẹ để bú hơn.
Cũng giống như úm gà, để úm heo thành công cần theo dõi nhiệt độ chuồng nuôi, nhiệt độ quây úm sao cho đạt nhiệt độ phù hợp với heo con trong giai đoạn đầu.
Nên úm heo trong cả quá trình heo con theo mẹ và trong tuần đầu sau khi chuyển sang chuồng heo cai sữa. Mỗi một quây úm cần thiết kế sao cho dễ thao tác, dễ di chuyển và phù hợp với số heo trong chuồng.
Bình thường mỗi quây úm có diện tích để úm cho 12 heo con mới sinh trong tuần đầu. Với chuồng nuôi hiện đại (chuồng sàn) chuồng úm có diện tích 3,5 – 4 m2 (bằng 3 tấm đan). Với chuồng úm heo cần thiết kế nơi cao của chuồng, kín gió và đặc biệt tránh heo mẹ làm vỡ bòng úm và đèn sưởi.
Chuồng úm cần phải bố trí hợp lý chuồng nuôi để thuận tiện các thao tác trên heo con, dễ dàng kiểm tra nhiệt và điều chỉnh nhiệt, không nên bố trí máng ăn, máng uống bên trong mà nên bố trí bên ngoài.
Để chủ động đảm bảo nhiệt độ heo con có thể thiết kế chuồng úm như sau: Nếu có điều kiện nên xây gạch xi măng kiên cố ở một góc chuồng cao ráo không bị đọng nước (tận dụng được hai bức tường bên làm chuồng úm), chỉ cần xây một hàng gạch.
Chuồng úm có kích thước 80 x 80 x 80 cm, đường kính 20 cm, cao 5 m so với nền chuồng để heo con ra vào được thuận lợi.
Nền chuồng úm thường xuyên được thay lót bằng cỏ hay rơm rạ cắt ngắn vò mềm khô ráo.
Trên đỉnh chuồng úm cần che kín bằng vải hay bao tải dứa để giữ nhiệt, bố trí bóng điện tròn có công suất khác nhau để sưởi ấm cho heo khi cần thiết.
Treo nhiệt kế cách bóng điện 40 cm để theo dõi nhiệt độ chuồng úm.
Hoặc có thể sử dụng hàn khung sắt phi 8 hay 10 có sơn chống gỉ, kích thước và cửa ra vào thiết kế như phần trên, xung quanh và trên đỉnh che kín bằng bao tải dứa, để bóng điện trên đỉnh làm nguồn nhiệt sưởi ấm.
Nếu không có điều kiện, người nuôi cũng cần phải che bạt trước cửa chuồng để chống gió mùa Đông Bắc lùa và phần trên cách nền chuồng 1,5 – 1,7 m cũng được che bạt kín, ngăn bạt từ dưới lên đến thành chuồng úm ở trước mỗi ô úm, ngoài ra cần che bạt từ dưới lên tới 50% giàn mát để đảm bảo không khí bên trên chuồng nuôi vẫn được thông thoáng và heo con không bị gió lùa.
Đối với chuồng kín, việc đảm bảo nhiệt cho heo con trong giai đoạn úm là cần thiết, tuy nhiên để đảm bảo việc úm heo hiệu quả cần chú ý tới quá trình thông gió trong chuồng nuôi. Đối với chuồng úm, tốc độ gió cần đảm bảo ở mức 1,5 m/s và duy trì độ ẩm 60ºC. Tuy nhiên, với mùa nóng việc cân bằng nhiệt độ ô úm và nhiệt độ chuồng nuôi, tốc độ gió trong chuồng nuôi cũng cần được chú ý.